Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam: Nâng cao tinh thần chuyển đổi số quốc gia

Đăng ngày 29/05/2020 02:11 - 762 lượt xem


Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã chính thức được khởi động. Ban tổ chức tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký của các đơn vị đến hết ngày 30/6/2020.

Giải thưởng năm nay sẽ vinh danh các đơn vị tại 4 hạng mục: Giải pháp công nghệ số xuất sắc; Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc và Thu hẹp khoảng cách số. Lễ trao giải và công bố kết quả dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9/2020.

Tự tin tạo ra sản phẩm công nghệ của Việt Nam

Năm 2020 đã được xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số để tiến tới một Việt Nam số.

Đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong các hoạt động phòng, chống dịch, đưa cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đại dịch vừa là trở ngại nhưng cũng là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, trong từng doanh nghiệp, từng tổ chức cho đến từng cá nhân.

chuyen doi 1

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Trưởng BTC giải thưởng Chuyển đổi số

“Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, tiến tới một Việt Nam số. Vì vậy, mục tiêu lớn nhất của Ban tổ chức đặt ra lúc này là thông qua giải thưởng, các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục tự tin nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ thiết thực của Việt Nam. Các doanh nghiệp, tổ chức khác mạnh dạn thay đổi mô hình phát triển trên cơ sở ứng dụng công nghệ số để tạo ra bước phát triển đột phá”, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, Trưởng BTC chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo khẳng định việc tổ chức giải thưởng Chuyển đổi số là để tìm ra và tôn vinh những giải pháp cụ thể, những câu chuyện chuyển đổi số thành công điển hình và từ đó góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của mọi người về vai trò của chuyển đổi số.

“Các doanh nghiệp công nghệ, cơ quan chuyển đổi số Việt Nam hãy coi giải thưởng là cơ hội cho chính mình, một mặt là sự ghi nhận của cộng đồng nhưng mặt khác cần lấy đó làm động lực để tiếp tục thay đổi, hướng tới hoàn thiện cơ quan tổ chức”, ông Dũng cho biết.

Chính bởi mục đích cuối cùng của Giải thưởng là cổ vũ tinh thần chuyển đổi số, Cục trưởng Cục tin học hoá cho biết thêm, đôi lúc trong quá trình chấm giải, có những hồ sơ không đạt được hoàn toàn tiêu chí ban giám khảo đề ra nhưng được lựa chọn để trao giải với mong muốn khuyến khích, tạo động lực, thôi thúc các tổ chức, doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa.

Tìm ra các giải pháp công nghệ đã thành công

Điều quan trọng mà giải thưởng tạo ra, ấy là ảnh hưởng xã hội và sự lan tỏa rộng rãi trong công chúng, nơi mà các sản phẩm được tôn vinh thuộc về, tồn tại để phục vụ, giúp ích cho con người, nơi chúng được phát triển, nâng cấp và được kế tục về sau.

Vì vậy, điểm khác biệt chính của giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam là việc tìm ra các giải pháp công nghệ đã thành công, đã chứng minh được hiệu quả thực tế, không phải các ý tưởng còn trong quá trình nghiên cứu, chưa có tính ứng dụng.

Trải qua hai năm phát động, tổ chức, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và nộp hồ sơ tham dự của hàng trăm doanh nghiệp công nghệ với các giải pháp mới, mang đậm giá trị thương hiệu “make in vietnam”.

Nhiều sản phẩm trong số đó thể hiện sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu về mặt công nghệ và đã thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả thực tế, không những góp phần rút ngắn thời gian, tăng năng suất, hiệu quả công việc mà còn giúp ứng phó với tình huống khó khăn trong đại dịch Covid-19.

chuyen doi 2

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam

“Một sản phẩm công nghệ tốt là sản phẩm có thể giải quyết được 90% vấn đề đặt ra, tuy nhiên sự khác biệt của sản phẩm nằm ở 10% cuối cùng. Đây là điểm hạn chế của nhiều sản phẩm Việt Nam hiện nay, sản phẩm tốt, giải quyết được 90% vấn đề là không đủ, mà chúng ta cần hướng đến giải quyết nốt 10% còn lại để trở thành một sản phẩm xuất sắc và để có chỗ đứng trên thị trường”, ông Dũng chia sẻ.

Chuyển đổi số phải toàn diện

Khi nhắc đến chuyển đổi số, người ta thường dành sự chú ý đến phần “số” mà bỏ qua phần “chuyển đổi”. Đa phần các doanh nghiệp, tổ chức nghĩ chỉ cần mua và áp dụng công nghệ là năng suất của doanh nghiệp sẽ cải thiện ngay lập tức.

Trên thực tế chuyển đổi số cần một quy trình toàn diện, hỗ trợ tối đa người dân trong quá trình hoàn thiện thủ tục hành chính phức tạp, rút ngắn thời gian, công sức.

“Hiện nay đa phần các doanh nghiệp, tổ chức nhận thức việc thực hiện chuyển đổi số nhằm cải thiện năng suất lao động, tối ưu chi phí nhưng nếu chỉ tư duy như vậy sẽ bị thất bại, không thể chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số thành công yêu cầu chuyển đổi toàn diện tất cả hoạt động của cơ quan, tổ chức để sinh ra giá trị mới”, ông Dũng cho biết.

Trong dòng chảy công nghệ, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn với sự phát triển của doanh nghiệp.
Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam xác định là một kênh truyền thông về chuyển đổi số, về phát triển kinh tế số cho toàn xã hội, thông qua việc giới thiệu các giải pháp công nghệ mới những mô hình chuyển đổi số thành công điển hình, giúp xã hội hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, về công nghệ số cũng như giúp các tổ chức, doanh nghiệp tìm cho mình một hướng đi phù hợp.

Nguồn: ictnews.vn